
Giả sử mọi thứ bên ngoài vũ trụ của chúng ta là một không gian trống rỗng. Đấng Toàn năng có thể dịch chuyển vũ trụ sang phải hai bước chân không? Chưa có một thực nghiệm khả thi nào chứng minh là chúng ta có thể biết được sự dịch chuyển đó. Nỗi hoài nghi này mài mòn ngay cả tri thức cơ bản nhất: ta bị dịch chuyển hay ta vẫn đứng yên?
Triết gia Leibniz đã đề xướng một phương pháp siêu hình giúp chúng ta điều chỉnh lại tri thức này. Thông thường, chúng ta có xu hướng quan niệm về không gian giống như một cốc nước: ta có thể rót vào nhiều hay ít, nhưng chiếc cốc luôn hiện diện ở đó. Theo Leibniz, điều này hoàn toàn sai: tồn tại trong không gian cũng giống như tồn tại trong một mối quan hệ (in cahoots). Vấn đề không phải là ở trong một vật chứa, mà vấn đề là ở trong một mối quan hệ. Nếu hai người trong một mối quan hệ, họ không ở trong cùng một phương tiện: họ là bạn đồng hành. Tương tự như thế, không gian không phải là một tấm lưới để định vị các vật thể, mà là một cách để các đối tượng cấu hình các mối tương quan với nhau. Cũng giống như việc không tồn tại mối quan hệ với chính mình, không có không gian nào mà không có các vật thể. Theo quan điểm như thế, Đấng Toàn năng không thể dịch chuyển mọi thứ trong vũ trụ sang bên phải được: chẳng còn sót lại bất cứ thứ gì để có thể neo giữ các định hình mới.
Leibniz định nghĩa không gian là quan hệ giữa các vật thể. Chắc chắn, nhưng nếu không có ngữ cảnh phù hợp, rất khó để hiểu tường tận về tuyên bố này. Người ta có thể tự hỏi tại sao lại có không gian. Nhưng điều này mới gây thắc mắc: tại sao lại có các vật thể? Dồn nén đến độ này, Leibniz có vẻ không giống một triết gia vĩ đại, mà giống một kẻ đánh đố hoặc một nhà cách ngôn hơn.
Hút tất cả không khí ra khỏi cái bình, ta có chân không. Bây giờ xoay bình sang trái hoặc phải. Chân không có dịch chuyển không? Đây là câu hỏi triết học, hay những thiết kế cho trò lừa phỉnh? Dường như là cả hai.
Đặt cái bình chân không đó vào một cái bình chân không khác, lớn hơn. Quay cái bình nhỏ sang phải và cái bình lớn sang trái. Nếu chân không quay cùng với vật chủ, thì chân không nhỏ sẽ quay sang phải. Nhưng chân không nhỏ là một phần của chân không lớn, đang quay sang trái. Vì vậy, nếu chân không quay, chúng sẽ quay theo hai hướng cùng lúc. Nhưng không có cái gì có thể quay theo hai hướng cùng một lúc! Vì vậy, chân không đứng yên.
Leibniz không chỉ nghĩ là không thể có không gian trống rỗng. Ông còn nghĩ rằng điều đó thật vô nghĩa. Một thế giới hoàn hảo luôn nhồi nhét bởi sự đa dạng; không có chỗ cho không gian trống rỗng. Một thế giới cực kỳ đa dạng có thể là thế giới tốt nhất với tư cách nó là một thế giới, nhưng chẳng phải là thế giới tốt nhất dành cho chúng ta.
Tóm một góc nhìn mới lạ và khác thường trong Nothing của Roy Sorensen
Photo by Messala Ciulla on Pexels