
Có thể có một thứ luân lý của rượu bia, hay của cái sự nâng chén nói chung?
Dùng từ luân lý, ở đây, tôi không chăm chăm hướng đến sự đúng sai theo nghĩa đạo đức. Bernard Williams, một trong những nhà triết học vĩ đại của thế kỷ 20, phân biệt luân lý – khái niệm liên đới với những vấn đề mênh mông phóng đạt về cách thế sống – với khái niệm đạo đức – cái hệ thống trừu tượng những bổn và phận hẹp hòi manh chiếu, nghĩa vụ, sai đúng, đúng sai. Williams nghĩ rằng nền triết học phương Tây đương đại bị đạo đức đeo bám ám ảnh hết thuốc chữa, và đã đánh mất viễn kiến về tầm quan trọng của luân lý. Và ngay cả những luận bàn về luân lý của sự ăn sự uống cũng quá đỗi thiển cận và sặc mùi đạo đức. Theo một khảo sát gần đây, 74% người Anh nghĩ rằng nốc vài ly vào buổi trưa là “không thể chấp nhận được”. Việc ấy có thể cho thấy điều gì. Rằng nhiều thứ là không thể chấp nhận nổi. Như mấy trường hợp gần đây: trong chiến dịch tranh cử của Donald Trump, tờ Daily Mail chỉ trích Tòa Tối cao phán xét còn… thiếu chuyện “uống rượu vào giờ ăn trưa?” Sao người ta không cẩn ngôn hơn trong những chuyện tầm phơ tầm phào như thế nhỉ? Sự phổ biến rành rành của cái ý nghĩ uống rượu vào giờ ăn trưa là không thể chấp nhận, cho ta thấy hai điều về nước Anh hiện giờ – một là thái độ với chuyện uống rượu, hai là cách mà người ta ước định về một thứ gì đó. Điều thứ nhất rõ rành: uống vào buổi trưa trở thành cá biệt, một phần là do sự thay đổi thói quen công việc – người ta làm việc quá hăng say, và nguyên nhân chính, là vì những lo lắng về ảnh hưởng của chất cồn đối với sức khỏe và cung cách sống lành mạnh hợp thời. Mọi thứ trước đây đâu ngán ngẩm như vậy. Một người đồng nghiệp của tôi, dân Thụy Điển, vừa mới về hưu, bảo tôi rằng anh uống một, hai ly rượu vào buổi trưa mỗi ngày suốt cả sự nghiệp học thuật nhiều thành tựu của mình. Khó mà tưởng tượng có vị học giả cân đai đạo mạo nào ngày nay có thể kể thêm những chuyện đại loại như thế trong suốt thời gian làm việc 20, 30 năm. Nhưng mọi kiểu cách thay đổi, cả những thứ thuộc về ngày hôm nay cũng chuyển đổi tuốt.Điều thứ hai, tuy vậy, mà thâm trầm hơn: xu hướng đánh giá hành vi của con người trên phương diện đạo đức ngày một bành trướng: về các bổn phận, nghĩa vụ và ý niệm phân biệt sai và đúng, chấp nhận hay không chấp nhận được, tốt hay xấu.
Chính trị là một lĩnh vực của đời sống ngày càng trở thành trò lên lớp đạo đức. Hầu hết những quyết sách chính trị diễn ra trong các nền dân chủ vận hành tốt thường liên đới với những vấn đề thực tế về phân phối nguồn lực và cấu trúc của các tổ chức xã hội. Những quyết sách đó, phần lớn, không phải là những quyết định mang bộ mặt đạo đức, chẳng ăn nhập gì với mấy thứ gọi là bổn phận, chuyện sai hay đúng, nhưng đó là kết quả của sự thu xếp dựa trên những gì nên làm, thực tế và hiệu quả. Ngay cả những người cảm thấy hấp dẫn khi nghĩ về chính trị – cả với cái ý nghĩa thiết thực, huỵch toẹt, đáng tin cậy – trên phương diện đạo đức của nó.
Cần nhấn mạnh rằng, những thứ ấy trong đời chúng ta có thể được định giá theo phương thức chằng cần nhiều lắm đến ý niệm đạo đức – chẳng hạn, liệu những thứ đó ngon nghẻ hay đáng tởm, chất lượng hay nhạt nhẽo, vui hay buồn, vụng về hay kiểu cách, ngượng nghịu hay hài hòa, biết điều hay xuẩn ngốc – và theo nhiều cách, những định giá này trở nên dễ dàng và tự nhiên với chúng ta hơn là những là những phán quyết trừu tượng của các nhà đạo đức thời nay. Mà ngay cả giọng điệu lên lớp của những nhà đạo đức cũng núp bóng trong những diễn văn của bọn làm chính trị, cánh tả hay hữu – dù là chuyện chuyển đổi khí hậu, thứ ta ăn, hội họa hay âm nhạc ta thưởng thức, cách ta nuôi nấng những đứa trẻ, giới tính mà ta thuộc về… Ý tôi không phải những chuyện này không quan trọng, mà đó không phải là những vấn đề có chỗ cho đạo đức trỏ mũi vào. Dù sao, những nhà lãnh đạo hiện nay ở Vương quốc Anh nhận thức được rằng rất dễ vướng vào cái mặt nạ đạo đức kệch cỡm, từ kẻ tử tế tốt bụng ăn chay trường không bao giờ chè chén cho đến mấy bậc nghiêm nghị độc tài luôn biết điều gì là tốt nhất. Đấy chẳng phải là một sự thay đổi đầy khoái hoạt để có những nhà chính trị không còn lên mặt dạy dỗ chúng ta hay sao? Cái sự uống rượu đã thoái trào với sự trồi lên của thói đạo đức giả. Những kẻ say khướt, ốm yếu vì rượu bị lên án, và thậm chí có quan điểm rằng, họ không nên được chăm sóc y tế miễn phí. Sự uống thường bị phân ra thành những “đơn vị” ảm đạm và không hiểu nổi, và ta được chỉ bảo phải uống bao nhiêu có chừng có mực. Vài ly vào giờ ăn trưa là “không thế chấp nhận”. Hơi thở nồng nặc ban chiều là chỉ dấu cho một tư cách hư hỏng. Ngay cả khi rượu mang đến niềm khoái thích lạ thường – và nuôi dưỡng ý thức về cộng đồng – như một chủ đề trong triết lý phương Tây. Plato biện luận những kẻ đã ngoài 40 rất cần uống rượu “để phục hồi tuổi trẻ, và thông qua sự thăng hoa, tâm hồn trút được gánh nặng để trở nên nhẹ bẫng và linh hoạt”. Kant nghĩ rằng khi uống rượu, “chúng ta lãng quên và bỏ qua những khiếm khuyết của người khác… mặt khác, những kẻ nhẫn tâm, thông qua sự say, cũng trở nên vui tính, cởi mở, dễ gần”. Không thể phủ nhận rằng uống rượu – và có thể cả những thứ khác – có thể đem đến những thể nghiệm tuyệt vời, làm sống dậy những cảm nghiệm về một giá trị lớn lao. Đó có phải là giá trị đạo đức? Dĩ nhiên là không. Lũ nho hương nguyện không thể đưa những thể nghiệm kỳ thú ấy vào trong thế giới quan của chúng. Tuy nhiên, nếu câu hỏi của chúng ta về việc sống như thế nào bao gộp câu hỏi uống như thế nào – và với những câu trả lời hoặc hay hoặc kém – thì rượu đã là một chủ đề của luân lý, nhưng tuyệt nhiên, không phải là chủ đề của đạo đức.Translated by Lê Minh Kha
Bài viết của Tim Crane – GS Triết Đại học Cambridge
1 Response
hookah set
September 18, 2022Thanks for one’s marvelous posting! I really enjoyed reading it, you could be
a great author.I will always bookmark your blog and will come back sometime
soon. I want to encourage you to continue
your great posts, have a nice day!