
Đọc cả bài viết này (https://vnexpress.net/truc-loi-tu-dat-cong-4445408.html), tôi chỉ đồng ý với bác Đặng Hùng Võ (chuyên gia Quản lý tài nguyên) ở một điểm, đó là lý do tại sao Nhà nước có những quy định pháp luật cấm “phân lô bán nền”. Còn những điểm khác, tôi thấy nó mù mờ, khó hiểu và nói chung, khá thất vọng về nội dung bài viết.
1. Bài viết có nội dung:
“Trên thực tế, các nhà quản lý chỉ xem xét vấn đề “chia lô bán nền” làm mất nét đẹp cảnh quan đô thị. Nhưng đây là một cơ chế phát triển đất đai làm ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế. Khi cho phép chia lô bán nền rộng rãi, phân khúc nền đất luôn luôn bị sốt giá. Tiền của dân đầu cơ vào các nền đất là chính, đồng tiền ấy nằm yên chờ tăng giá vì không được đầu tư thêm để phát triển bất động sản trên đất. Đấy là những đồng tiền chết gây sốt giá ảo, tạo nên một phần lạm phát kinh tế.
Ở Việt Nam, ai cũng hiểu giá trị đất đai tăng thêm trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội không thu về được ngân sách nhà nước, nó nằm trọn trong túi nhóm người giàu. Nhóm đa số người thu nhập thấp, người nghèo vẫn bươn bả mà không thể đủ tiền để tìm được chỗ ở cho mình.”
Đừng nói những chuyên gia, bất cứ sinh viên nào học ngành Quản lý đất đai đều biết: Nhà nước có quyền chiếm hữu tuyệt đối về đất đai, nghĩa là toàn bộ lãnh thổ thuộc về Nhà nước và chỉ có Nhà nước mới thực thi một quyền lực tối cao, quyền định đoạt đất đai. Nhà nước thực thi quyền này bằng việc quy định mục đích sử dụng đất thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và định đoạt các mối quan hệ đất đai như giao đất, cho thuê đất, hoặc thu hồi đất… Như vậy, việc để tình trạng “phân lô bán nền” kéo dài, tình trạng đầu cơ, đẩy giá để lợi ích nằm trọn trong túi của một nhóm người giàu, chính là vấn đề của quản lý nhà nước.
Trong bài viết cũng nêu: “Luật Đất đai 2003 có một quy định mang tính triết lý chung “Nhà nước có chính sách thu lại giá trị đất đai tăng thêm không do đầu tư của người sử dụng đất tạo ra”, nhưng không có một nghị định nào của Chính phủ ban hành các chính sách cụ thể để điều tiết giá trị đất đai tăng thêm này. Câu chuyện đó vì thế vẫn chỉ nằm yên trong luật cho đến khi Luật Đất đai 2003 hết hiệu lực thi hành“. Nhưng theo tôi tìm hiểu, thời kỳ đó bác Võ đang là Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, là người đặt nền móng cho việc xây dựng và góp nhiều công sức trong việc ban hành Luật Đất đai năm 2003. Vậy thì “các chính sách cụ thể để điều tiết giá trị đất đai tăng thêm này” không phải là trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho Chính phủ hay sao?
2. Một điểm nữa, tựa bài viết được đặt là “Trục lợi từ đất công” và trong bài viết chỉ có một đoạn nói về nó: “Tình trạng trục lợi từ đất công còn diễn ra qua việc “chia lô bán nền” trái pháp luật“.
Tôi thấy hơi khó hiểu một chút, nên tìm hiểu xem “đất công” là đất gì?
Một bài tư vấn pháp luật đất đai cho tôi biết: “Hiện nay, không có quy định nào về khái niệm đất công. Nhưng có thể hiểu, về bản chất thì đây là đất do nhà nước quản lý, nhưng thực tế khác nhau rất nhiều về mục đích sử dụng. Đất công là đất được sử dụng cho mục đích công cộng như: làm đường xá, cầu cống, công viên, trường học, bệnh viện… thuộc Mục e Khoản 2 Điều 10 của Luật đất đai năm 2013. Đất công thuộc quyền sở hữu nhà nước, bất cứ một cá nhân hay một tổ chức nào muốn sử dụng thì buộc phải có văn bản hoặc quyết định của nhà nước. Tóm lại, có thể hiểu, đất công là đất thuộc quyền sở hữu nhà nước và không của bất cứ một cá nhân hay một tổ chức nào làm bất cứ việc gì trên mảnh đất đó trừ khi có văn bản hoặc quyết định của nhà nước“.
Và tôi không tìm trên google nữa, mà hỏi thẳng một người anh có kinh nghiệm trong ngành. Câu trả lời tôi nhận được là: Đất công là một từ khá nhạy cảm đối với các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong giai đoạn hiện nay.
Câu hỏi của tôi là: Bài viết này muốn truyền tải đến đại chúng điều gì nhỉ? Bài viết của một chuyên gia, được đăng trên báo điện tử có số lượng người xem cao nhất cả nước, nó phải đáp ứng yêu cầu cơ bản: rõ ràng, dễ hiểu và truyền đạt thông điệp một cách thông suốt đến với mọi người đọc. Không nên có ý tứ mập mờ gì cả, nếu có thì đừng nên đăng báo bởi nó làm cho người đọc hiểu sai, nhất là hiểu sai quy định pháp luật.
Theo tôi thì tựa bài viết và nội dung bài viết chỉ nên phân tích cho bạn đọc hiểu rõ một ý thôi: Vì sao Nhà nước cấm “phân lô bán nền”.