Vì người ta hỏi, tại sao tôi hay đọc những thứ muộn phiền?
Sầu muộn (melancholy) không phải là tâm hồn ở trạng thái giận dữ, đắng cay hay tiếc nuối. Nó là thể hiện cao quý của nỗi buồn, xuất hiện khi ta ở trạng thái cởi mở với hoàn cảnh thực tế rằng cuộc sống vốn dĩ khó khăn với tất cả mọi người; và nỗi khổ đau, điều thất vọng luôn thường trực trong trải nghiệm làm người. Nó không phải là một loại rối loạn tâm lý cần được chữa trị như giới y học luôn khẳng định; nó là sự thừa nhận dịu dàng, điềm tĩnh, mang chút khoan dung về bao nhiêu nỗi khổ đau trong đời mà ta đã và sẽ trải qua. Người Pháp hẳn có một câu khá hay: Seule là douleur peut aider l’esprit à reconnaitre ses erreurs. Đừng tra google, mà hãy hiểu thế này: Chỉ có nỗi đau mới giúp tâm hồn nhận ra sự lầm lạc của chính nó.
Xã hội hiện đại luôn có xu hướng đề cao quá đáng sự vui vẻ, hoạt bát bên ngoài. Người ta không chịu nổi trạng thái u sầu, gán nhãn chúng như một bệnh tật và giải quyết chúng bằng các biện pháp y tế – hoặc phủ nhận một cách tiêu cực là chúng không hề tồn tại.
Sầu muộn luôn biết cách liên kết nỗi đau với sự thông thái và điều cao đẹp. Điều này bắt nguồn từ nhận thức đúng đắn về cấu trúc bi thảm của mọi cuộc đời. Ở trạng thái u sầu, ta có thể cảm thông mà không hề giận dữ hay ủy mị, rằng không một ai thực sự hiểu được ai khác, rằng sự cô đơn là trạng thái phổ quát của mọi con người và rằng cuộc đời nào cũng có đầy rẫy sự xấu hổ và nỗi khổ đau. Sầu muộn hiểu rõ về những điều ta mong muốn đang nằm giữa những xung đột bi thảm: cảm thấy an toàn nhưng không cảm thấy tự do; có tiền nhưng luôn dè chừng người khác; muốn ở trong cộng đồng gắn bó khắng khít nhưng không muốn bị cản trở bởi những kỳ vọng và đòi hỏi của xã hội; muốn du ngoạn và khám phá thế giới nhưng không thấy gắn bó với bất cứ nơi nào.

Sự thông thái của trạng thái sầu muộn là ở chỗ hiểu rằng ta chưa thực sự được giải thoát, rằng nỗi đau khổ của ta cũng chính là nỗi đau của nhân loại. Sầu muộn là ám chỉ sự đau khổ vô hồn. Nó chứa đầy thương hại cho thân phận con người.
Có những phong cảnh u ám, những bản nhạc u buồn và khoảng thời gian u uất. Ở chúng, ta nhìn thấy dư âm nỗi đau buồn của chính ta, gợi lại những hình ảnh riêng tư, khiến ta đau đớn.
Một nền văn minh càng sầu muộn, thì các thành viên của nó càng ít bị hành hạ bởi những thất bại, những ảo tưởng và những hối tiếc của chính họ.
Sầu muộn – khi có thể được sẻ chia – là sự khởi đầu của tình bằng hữu.
(Nguồn: https://www.theschooloflife.com/thebookoflife/in-praise-of-melancholy/)