Bạn còn trẻ, có tài năng, làm việc chăm chỉ và mong muốn có một tương lai rực rỡ. Vậy thì đừng làm việc cho một công ty khởi nghiệp. Tôi từng làm việc cho công ty khởi nghiệp và đã trải nghiệm khá nhiều thứ, từ lúc mới bắt đầu với nhân sự chỉ có ba người ngồi chung một bàn làm việc, cho đến khi công ty mở rộng quy mô với hơn 100 triệu đô la đầu tư.
Lợi tức trên thời gian đầu tư (return-on-time-invested – ROTI) đối với các kỹ sư tài năng không có ý nghĩa gì nhiều. Vẫn còn nhiều cách để học, kiếm tiền và sống tốt. Và đây là một vài lý do tại sao:
1. BẠN ĐANG TỪ BỎ QUYỀN CỐ VẤN
Bạn sẽ không nhận được sự cố vấn (mentorship) cần thiết từ các kỹ sư ở cấp cao hơn. Trong một lĩnh vực chuyên môn và trong khoảng thời gian đủ dài, cố vấn là việc đôi bên cùng có lợi. Nhưng chắc chắc là không phải lúc khi đứng trước áp lực doanh thu, có quá nhiều việc phải hoàn thiện và công ty thì đang trong giai đoạn đốt tiền từng ngày.
Cố vấn kém là kinh nghiệm của tôi trong cả hai mặt của một mối quan hệ – với tư cách là một cấp dưới, tôi phải tự tìm hiểu mọi thứ một mình và là một cấp trên, tôi không có thời gian để hỗ trợ ai hết.
Ngược lại, làm việc cho một công ty truyền thống hoặc công ty khởi nghiệp ở giai đoạn thành công với mức MRR đang gia tăng sẽ mang lại cho bạn nhiều cơ hội hơn để học hỏi từ những tài năng ở cấp cao.
Cố vấn là yếu tố đầu vào quan trọng nhưng thường không được đánh giá cao để có được sự nghiệp thành công. Ngay cả Warren Buffett cũng phải học nghề dưới sự hướng dẫn của Benjamin Graham. Do vậy, đừng bán rẻ bản thân.
2. Cái gì cũng biết nhưng không biết cái gì sâu sắc
Có quá nhiều việc phải làm nhưng lại không ai từng biết cách làm hiệu quả.
Một công ty khởi nghiệp chỉ có giá trị như bài toán mà nó đang giải quyết. Cho đến khi sản phẩm được thị trường chấp nhận, các nguồn lực được triển khai theo triết lý “tiền trảm hậu tấu” (Ready, Fire, Aim), chuyển từ dự án này sang dự án khác một cách chóng mặt.
Học được điều mới mẻ mỗi tuần là một niềm vui, nhưng nó không khiến bạn trở thành chuyên gia hay cung cấp cho bạn kỹ năng để tự bán mình (sell yourself).
Nó có thể hữu ích nếu bạn không có chuyên môn về lĩnh vực nào. Nó cũng cho phép tôi chuyển đổi từ kỹ sư phần mềm sang lĩnh vực khoa học dữ liệu. Nhưng nó cũng khiến tôi nhận ra rằng tôi khá mù mờ về cả hai khi bắt đầu công việc trong tương lai. Khả năng viết một ứng dụng CRUD bằng bốn ngôn ngữ khác nhau là tuyệt vời nhưng nó không giúp bạn kiếm được nhiều tiền hơn.
Cho đến khi bắt đầu làm việc tại một công ty truyền thống, tôi mới có cơ hội tối ưu hóa mã, thực sự hiểu cách nó hoạt động và xây dựng các mô hình có thể mở rộng (build for scale).
3. Cần cù không bù được thông minh
Trong công ty khởi nghiệp trước đây, chúng tôi thường đùa với nhau rằng rời văn phòng lúc 9 giờ tối thì chỉ mới làm việc được “nửa ngày”. Chúng tôi ngồi ở văn phòng hơn 12 giờ mỗi ngày, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi làm việc hiệu quả.
Tôi đưa ra một giả định: Dân kỹ thuật tin rằng chỉ có một số giờ làm việc tối ưu trong ngày, trong khi dân kinh doanh lại cho rằng làm nhiều giờ hơn chắc chắn sẽ tốt hơn.
Elon Musk nổi tiếng với câu nói “Chưa từng có ai thay đổi thế giới với 40 giờ làm việc mỗi tuần”, nhưng tôi lại thích quan điểm của Cal Newport, tác giả Deep Work:
“Với một người mới, một giờ tập trung cao độ mỗi ngày dường như là quá giới hạn; đối với các chuyên gia, con số này có thể tăng lên đến bốn giờ — nhưng hiếm khi hơn”.
Quan trọng không phải là số giờ làm việc trong ngày mà chính là số giờ hoàn toàn tập trung vào công việc. Những người lãnh đạo lớn tuổi có nhiều khả năng hiểu điều này hơn. Do đó, hãy làm việc với những người 40 thay vì 25. Người lớn tuổi còn có trách nhiệm bên ngoài công việc (gia đình, bạn bè, sức khỏe,…). Rõ ràng, họ sẽ là người thiết lập các trật tự hiệu quả hơn so với người ở độ tuổi 20 không có nhiều trách nhiệm.
4. Hire Fast, Fire Faster
Tôi không biết ai đã nghĩ ra cụm từ này, nhưng tôi luôn cảm thấy thật vô trách nhiệm. Nếu trước đây bạn đã thuyết phục một người rời bỏ công việc hiện tại của họ và tham gia vào “đoàn tàu tốc hành” của bạn, bạn nợ họ niềm tin (benefit of the doubt) và thời gian để họ trở nên hoàn thiện hơn (pick up speed). Có lẽ tôi là một kỹ sư và không đủ kiến thức để hiểu việc của nhà quản lý, nhưng văn hóa này luôn khiến tôi buồn. Các công ty truyền thống luôn hiểu rằng kiến thức và kinh nghiệm chuyên ngành là quan trọng và phải mất một thời gian để trở nên thực sự hiệu quả.
5. Vốn chủ sở hữu (Equity) của bạn chả có giá trị gì
Bạn đang từ bỏ mức lương của mình với hy vọng sau này sẽ kiếm được thật nhiều tiền thông qua vốn chủ sở hữu. Tôi chưa bao giờ kiếm được một đồng nào từ vốn chủ sở hữu. Hầu hết các kỹ sư khởi nghiệp sớm thường có kết cục giống nhau. Và đó là một thực tế khi cứ 10 công ty khởi nghiệp thì có 9 công ty “tèo”.
Cổ phiếu của bạn không có giá trị gì cho đến khi được niêm yết hoặc được mua bán. Và điều đó có thể mất nhiều thời gian hơn bạn nghĩ. Vì vậy, hãy nhận càng nhiều lương càng tốt.
Kết…
Khởi nghiệp không phải là con đường chắc chắn dẫn đến sự giàu có – bất chấp người sáng lập có niềm tin vào ý tưởng của họ mạnh mẽ đến đâu.
Kinh nghiệm khởi nghiệp có giá trị trong việc phát triển toàn diện các kỹ năng không? Chắc chắn rồi. Nhưng hãy biết về chi phí cơ hội. Điều này tăng gấp đôi đối với các kỹ sư có năng lực, những người thường có rất nhiều cơ hội.
Lời khuyên của tôi: Nếu bạn phải tham gia một công ty khởi nghiệp, hãy hoài nghi về những ý tưởng và đội ngũ đồng hành, hãy đặt ra các giới hạn về sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, và hãy nhận lương với mức nhiều nhất có thể.
Bạn có kinh nghiệm gì về khởi nghiệp không nào?
(source: https://betterprogramming.pub/dont-write-code-for-a-startup-1eead038c372